Món ăn may mắn

Bài: Phương Nguyên – Ảnh: Lộc Võ

Những niềm tin về thực phẩm may mắn ngày xuân thực ra không còn mang ý nghĩa duy tâm nữa. Nó là một truyền thống mà người Việt vẫn theo: đầu năm trong nhà phải có dưa hấu đỏ, có mâm quả “cầu dừa đủ xoài sung” … thì năm mới mới thực sự may mắn.

Chưa cần đến lúc mai đào rộn ràng khoe sắc, cứ bắt đầu từ rằm tháng Chạp, người ta đã thấy lòng mình nôn nao chờ đợi Tết. Tết của người Việt trang trọng lắm, bởi đó là khoảng thời gian người ta dành trọn cho gia đình, bạn bè, là dịp để người ta nhớ về cội nguồn, nhớ đến ông bà tổ tiên. Ngày Tết – ít nhất là mùng một Tết – mà không có mặt ở nhà, không những người đi xa buồn lòng mà người ở nhà cũng trông mong muộn phiền ghê gớm, bởi đó phải là ngày đoàn tụ cả gia đình.

Trong những ngày Tết, người duy lý nhất cũng phải chú ý đến những điều kiêng kỵ và khái niệm về sự may mắn. Người ta chú ý đến hướng xuất hành, đến người “xông đất” đầu năm. Đó là bởi quan niệm hướng khởi hành đầu năm hợp thì cả năm đó sẽ được may mắn, làm ăn tấn tới. Còn người viếng thăm nhà đầu năm nếu xởi lởi, nhanh nhẹn thì cả năm mọi việc xảy đến với gia chủ sẽ suôn sẻ thuận lợi. Đặc biệt, với các món ăn, niềm tin và thói quen mưu cầu sự may mắn càng rõ rệt.

Sắc màu may mắn
Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Hoa tự ngàn xưa nên người Việt cũng xem màu đỏ là màu đem lại may mắn, đặc biệt là trong những ngày Tết. Ngay từ khung cảnh không gian Tết, ta đã có thể thấy những câu đối đỏ được chưng trang trọng trên tường, những phong bao lì xì đỏ rực mà trẻ nhỏ cầm tay trong những ngày Tết. Ngay cả sắc hồng thắm của đào cũng tượng trưng cho điều may mắn mà mọi người vẫn mong ước sẽ gặp trong năm

Ngày Tết, dù nghèo khó mấy, nhà nào cũng phải có quả dưa hấu để chưng trên bàn thờ. Và người ta tin rằng một quả dưa hấu với lớp ruột đỏ au rực rỡ sẽ là điềm may mắn phát tài cho gia đình suốt cả năm. Thế nên người ta vẫn kỹ lưỡng ngay từ khâu chọn dưa. Trái dưa to tròn, chắc tay, vỗ vào nghe tiếng trầm đục. Như thế dưa mới có nhiều khả năng ruột đỏ và chắc. Lại còn phải canh thời gian để cắt dưa cho đúng lúc. Nếu cắt quá trễ, dưa để lâu bị ủng thì xem như xui xẻo cả năm. Nếu cắt đúng lúc, dưa đỏ và ngọt, nhiều nước và nhiều cát sẽ mang lại may mắn cho gia chủ, bởi nước tượng trưng cho tiền bạc, và “cát” đồng nghĩa với sự may mắn.

Xôi gấc màu đỏ cam hay lọ dưa hành màu hồng ngọc cũng được ưa chuộng trong dịp Tết. Lại còn lạp xưởng căng tròn đỏ au. Ngay cả hạt dưa hấu vốn màu đen cũng được nhuộm đỏ. Bởi người ta cho rằng màu đen là điềm xui xẻo, nên hạt dưa được nhuộm màu để tránh màu đen trong dịp lễ Tết. Một cây quất trĩu quả vàng rực cũng được xem là điềm may cho chủ nhà. Vì màu vàng được quan niệm là màu của vàng son, vua chúa. Cây quất tròn trịa, sum suê cũng tượng trưng cho sự dồi dào sung túc, và những lá non mơn mởn của cây là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở. Thế nên rất nhiều gia đình từ trong Nam đến ngoài Bắc đều chưng quất trong nhà những ngày đầu năm.

Tên gọi và điềm may
Cũng như những hạt “cát” trong quả dưa hấu, vốn đồng nghĩa với từ “cát” là những điều tốt lành trong tiếng Hán, có rất nhiều món ăn được ưa chuộng trong những ngày Tết chủ yếu vì chúng đồng âm với những điều mong ước của mọi người trong năm mới. Như món “khổ qua” nhồi thịt thường dùng trong ngày Tết. Ngoài lý do đó là món hầm có thể để lâu hoặc hâm đi hâm lại, lý do chính để người ta vẫn có món ăn đó trong nhà là vì người ta mong ước trong năm mới, mọi nỗi “khổ” họ đã gặp trong năm cũ sẽ “qua” đi. Một cách chơi chữ ngộ nghĩnh khi đánh đồng một từ Hán Việt với từ thuần Việt. Nhưng không ai thắc mắc tính hợp lý của câu chữ ở đây, mọi người chỉ theo niềm tin đó như một thói quen không cần lý giải.

Mâm ngũ quả ngày xuân cũng dựa trên một câu như lời mong ước, khấn khứa: “Cầu vừa đủ xài sung túc”. Với mâm ngũ quả thì chất lượng món ăn không còn là điều tiên quyết. Người ta chỉ cần chưng những quả mãng cầu xiêm còn xanh non cùng với quả dừa lửa, một quả xoài, một quả đu đủ và một chùm sung, thế là đủ. Trái cây có thể xanh, có thể không ăn được, nhưng quan trọng là ý nghĩa của mâm quả. Cách gọi trại đi của từng loại trái cây lại ghép lại thành lời cầu khấn cho một năm mới sung túc, không cần dư dả, chỉ vừa đủ xài thôi. Một mong ước thật khiêm tốn mà mọi người đều mong mình sẽ đạt được. Cũng vì thế mà những món ăn chưng trên bàn thờ hoặc trong nhà những ngày này người ta có phần chọn lựa hơn. Ở miền Nam, cam hay lê sẽ không được ưa chuộng, vì nó gợi nhớ đến sự cam chịu và lê la khổ nhọc. Không chỉ Việt Nam ta mới tin tưởng vào những món ăn mang lại sự may mắn. Rất nhiều nước trên thế giới cũng tin rằng có những món ăn, những thực phẩm giúp con người gặp may mắn. Đa số đều mang những ý nghĩa tượng trưng khác nhau, như người Hungary cho rằng thịt thỏ và súp cá sẽ mang lại sức khỏe và giúp trôi đi mọi muộn phiền của năm cũ. Người Hàn Quốc lại ăn kim chi với niềm tin rằng món ăn truyền thống này sẽ mang lại nhiều điềm lành và niềm vui…

Còn người Việt ta, ngoài những món ăn có màu sắc hoặc tên gọi được tin rằng sẽ đem lại may mắn, ngày Tết mọi gia đình còn không thể thiếu món bánh chưng, bánh tét. Đó là món ăn truyền thống có từ ngàn xưa, gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày. Bánh chưng mang đầy đủ tinh túy của đất trời với hạt nếp no tròn, nhân đậu xanh vàng ươm và thịt mỡ béo ngậy. Bánh là lời mong ước một năm mới dồi dào no đủ, sung túc và thịnh vượng. Hình vuông của bánh còn tượng trưng cho đất, được gói bằng lá xanh với nhân trong ruột, như hình ảnh cha mẹ chở che đùm bọc con cái. Đó cũng là cách để người ta nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tỏ lòng tôn kính người trên mỗi độ xuân về.