Tại sao các sử gia thế giới tôn vinh Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn là đệ nhất danh tướng thời Trung Cổ ?

Bài số 1

Sức mạnh đoàn quân Mông Cổ và ba lần Hưng Ðạo Vương đại phá Nguyên Mông

Năm trước, trên Bóng Nước Xuân Nhâm Ngọ, chúng tôi đã thưa với các Cụ đồng hương rằng, thuở xưa, biên cương của Bách Việt rộng khắp vùng Hoa Nam ngày nay, rồi dần dần đã bị bọn bá quyền Hoa Hán xâm lấn và đồng hoá mà trở thành nước Tầu, người Tầu hết cả. May sao con cháu Rồng Tiên còn gìn giữ được một giải đất hình chữ S tựa lưng vào Biển Ðông làm “Nước Nhà”. Coi như chúng ta mất quá nhiều, chỉ “còn một chút này”, thế mà cũng không được yên vui, vì lịch sử nước nhà trong 20 thế kỉ qua, đã luôn luôn được viết bằng máu và nước mắt. Tiền nhân của chúng ta đã phải liên tục anh dũng chống trả nhiều cuộc xâm lăng từ phương Bắc để bảo vệ bờ cõi giang sơn. Lịch sử minh chứng anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Trong “một ngàn năm đô hộ giặc Tầu”, đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, bà Triệu, Lí Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Ðế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Ðình Nghệ và cuối cùng, năm 939 Ngô Quyền đã oanh liệt chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng, chấm dứt giai đoạn lệ thuộc phương Bắc dài một ngàn năm, đưa nước nhà sang thời tự chủ ngàn năm thứ hai. Từ đó, nước ta trở thành một quốc gia độc lập, trung ương tập quyền, theo quan niệm ngày nay. Thế nhưng nền độc lập quý báu của dân Việt có bao giờ được bọn bá quyền phương bắc tôn trọng. Trên thực tế, bất cứ khi nào một triều đại mới lên ở bên Tàu, khi vừa củng cố xong quyền hành, chúng liền nghĩ ngay tới việc xâm lăng nước ta. Thế cho nên lịch sử nước nhà mới còn ghi đậm nét những chiến công vệ quốc hiển hách của các anh hùng dân tộc, như vua Lê Ðại Hành chiến thắng quân nhà Tống, Lí Thường Kiệt còn đánh cả sang đất nhà Tống, 10 năm trường kì kháng chiến giặc Minh của vua Lê Lợi và anh hùng Nguyễn Trãi, chiến dịch hành quân tốc chiến tốc thắng thần sầu quỷ khốc của vua Quang Trung Nguyễn Huệ năm 1789 đã đánh bật 20 vạn quân nhà Thanh ra khỏi bờ cõi.

Nhằm nêu bật tính anh hùng của Hưng đạo đại vương, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược về kẻ thù mà Ngài đánh thắng, tức là đoàn quân Mông Cổ; sau đó xin tường thuật ba lần Ngài chiến thắng quân xâm lược; tiếp theo là bối cảnh xuất thân và những điểm hết sức đặc biệt trong cuộc đời của Ngài và bài học quý giá Ngài để lại: đặt nợ nước lên trên thù nhà; cuối cùng là sự kiện ngày nay thế giới đã biết tới Ngài và vinh danh Ngài.

I. Ðoàn Quân Mông Cổ

Thời Trung cổ, nước Mông Cổ, xét về dân số, chỉ là một nước nhỏ, nhưng họ đã làm rung chuyển thế giới thời đó vì họ có những thủ lãnh xuất chúng với một đạo kị binh thiện chiến giỏi cỡi ngựa, giỏi cung tên và vô cùng tàn ác, “nơi nào ngựa Mông Cổ đi qua, cây cỏ cũng hết sống”.

Thành Cát Tư hãn

Bão táp bắt đầu nổi lên cùng với sự xuất hiện của Thiết Mộc Chân (Temujin 1162-1227), sau này lấy danh hiệu là Thành Cát Tư Hãn, tức Genghis Khan. Vừa nắm được quyền hành, Thành Cát Tư Hãn đã khởi sự chiến tranh, theo đuổi mộng bá chủ.

* 1205-1209: chinh phục nước Tây Hạ (Hsi-Hsia), tức vùng đất Tây Thục sau này.

* 1211-1215: chinh phục nước Kim (Chin), vượt Vạn Lí Trường Thành, chiếm thủ đô Bắc Kinh của người Kim. Sau này, nước Kim sát nhập vào nước Tầu.

* 1218-1219: chinh phục đế quốc Ba Tư (thời đó là Khwarezmian empire của Mohammed Shah), gồm đất Ba Tư, Khorassan, Transoxonia, Samarkand và Afghanistan .

* 1222: Tuân lệnh của Thành Cát Tư Hãn quân Mông tiến sang Âu châu, chiếm toàn vùng Caucasus, vượt sông Don, tràn vào Crimea rồi Ukraine, hạ trại bên bờ sông Dnieper. Ông hoàng thành Kiev đưa 80 ngàn quân đánh quân Mông, nhưng đã bị Subotai và danh tướng Chepe nghiền nát. Năm 1224 danh tướng Chepe bị bệnh chết, Subotai triệt thoái trên con đường dài 4,000 dặm để bắt tay với đoàn quân trung ương.

* 1226: Thành Cát Tư Hãn chọn con trai là Ogatai làm người nối nghiệp, rồi chuẩn bị đưa 180 ngàn quân đi trừng phạt quân Hạ và Kim là hai nước đã bị quân Mông Cổ đánh bại, nay liên kết với nhau chống lại quân Mông Cổ.

* 1227: Thành Cát Tư Hãn chết.

Ogatai đại hãn và Kuyuk đại hãn

Ogatai và con là Kuyuk tiếp tục mộng bá chủ của cha.

* 1231: Xâm lăng Cao li (Korea).

* 1235-1239: Con Ogatai là Godan đánh chiếm Tây Tạng.

* 1237-1238: Subotai xua 150 ngàn quân trở lại Âu châu, gieo tàn phá, chết chóc khắp vùng phía Bắc nước Nga.

* 1240: Chiếm Kiev, rồi Lithuania và Ba lan.

Mangu, tức Mông Kha đại hãn và em là Kublai, tức Hốt Tất Liệt đại hãn

* 1251: Một người cháu nội khác của Thành Cát Tư Hãn là Mangu (còn viết là Mengke, ta gọi là Mông Kha) lên ngôi đại hãn. Mông Kha quyết định thôn tính Á châu, đặc biệt là nước Trung Hoa trước. Nước Trung Hoa thời đó chia làm Bắc Tống và Nam Tống. Mông Kha nắm quyền thống soái nhưng lại giao trọng trách cho nguời em kiệt xuất, đó là Hốt Tất Liệt (Kublai).

* Mông Kha sai một người em khác là Hulagu trở lại thôn tính Ba Tư bao trùm khắp miền Ðông Nam Á châu. Ðồng thời khuyến khích người em họ là Batu khống chế khắp vùng Ðông Âu, toả lên Ba lan, Lithuania và Esthonia, rồi xuống Serbia và Bulgaria một lần nữa.

* 1252-1253: Hốt Tất Liệt chinh phục Vân Nam, từ đó phái một đạo quân mở cuộc xâm lăng bờ cõi nước ta lần thứ nhất vào năm 1257.

* 1259: Mông Kha chết, Hốt Tất Liệt (Kublai) lên ngôi đại hãn vào năm 1260. Lúc ấy đế quốc Mông Cổ trải rộng từ toàn vùng Hoa Bắc sang vùng Tiểu Á, từ vùng thủ đô Moscow của nước Nga xuống biển Ðen, xuống Baghdad (Iraq) và Iran ngày nay.

* Nhận được tin Mông Kha chết, người em là Mangu đang chiếm đóng vùng Mesopotamia và Syria phải về Mông Cổ để bầu đại hãn mới. Trong khi ông vắng mặt thì, năm 1260, đạo quân của ông đã bị tướng Baibars (thuộc triều đại Mameluk cai trị Ai Cập và Syria) đánh bại trong trận Aint Jalut, gần thành Nazareth. Chiến công của Baibars có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chứng minh đoàn quân bách chiến bách thắng Mông cổ suốt 70 năm không phải là không thể đánh bại, dấu hiệu suy thoái đã biểu hiện và toàn Âu châu sẽ thoát nạn Mông Cổ.

* 1268-1279: Hốt Tất Liệt không nuôi ý chí chinh phục thế giới như các đại hãn tiền nhiệm, ông dốc hết khả năng để chinh phục toàn cõi Trung Hoa trong một chiến dịch dài ngót mười năm. Năm 1263, ông rời kinh đô từ Karakorum về Bắc Kinh. Trong trận hải chiến cuối cùng vào năm 1279 tại vịnh Quảng Ðông, Hốt Tất Liệt đã đánh bại nhà Nam Tống. Thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu phải cõng vua nhảy xuống biển để cùng tử tiết, từ đó Hốt Tất Liệt cai trị toàn cõi Trung Hoa, xưng là hoàng đế, lập ra nhà Nguyên (Yuan Dynasty). Từ đây ta gọi họ là quân Nguyên Mông.

* Dòm ngó Nhật Bản: Hai lần vào các năm 1274 và 1281 quân Nguyên Mông sang đánh nước Nhật. Nhưng “nhờ Trời”, cả hai lần chiến thuyền của quân Nguyên Mông đều bị bão táp đánh chìm vô số, phải quay về.

* 1292-1293: Với tay xuống mãi đảo Java (Nam Dương), nhưng không ở lại được.

* Ðặc biệt nhất là ba lần quân Nguyên Mông xâm phạm bờ cõi nước ta vào các năm 1257,1284 và 1287. Cả ba lần xâm lăng đều chuốc lấy thảm bại.

Trần Vinh (Cincinnati , Hoa kỳ)